Trứng rồng lại nở ra rồng
Hạt thông lại nở cây thông rườm-rà.
Có cha có mẹ mới có ta,
Làm nên thời bởi mẹ cha vun trồng.
Khôn-ngoan nhờ đức cha ông,
Làm nên phải đoái tổ-tông phụng-thờ.
Đạo làm con chớ hững-hờ:
Phải đem chữ hiếu mà thờ từ-nghiêm.
(ca dao)
NGUỒN GỐC CỦA ĐẠO THỜ CÚNG TỔ TIÊN
Hình ngôi sao - mặt trời giữa mặt trống đồng, hình chim,
hươu, cóc, cá sấu...trên trống, trên thạp đồng và trên những hiện vật khảo cổ
khác là những biểu tượng của một thứ tôn giáo tự nhiên đã có từ thời nguyên thuỷ,
kết hợp với tôn giáo nông nghiệp của người Việt cổ trồng lúa nước thời Hùng
Vương. Con người thời tiền sử có tín ngưỡng thời cổ đại, tôn xưng một con vật
hay một vật thể, một hiện tượng thiên nhiên để thờ phụng, đó là sự bái vật. Dân
nước Văn Lang tức người Việt cổ cũng
theo lệ chung này thờ Thần Mặt Trời và một số vật thiêng liêng khác có
liên quan đến nông nghiệp. Xem: http://chimviet.free.fr/lichsu/hvdn/hvdn14.htm
* Mặt Trời được coi như một Thần quyền thiêng liêng, một
thiên thần có nhiều quyền năng hơn hết các thiên thần khác. Mặt trời đã ban cho
ánh sáng và hơi nóng, ban cho sinh khí nuôi sống muôn loài, từ nhân loại đến cầm
thú và cây cỏ. Nói cách khác, Thần Mặt Trời là Đấng Thiêng Liêng tối cao của
dân nước Văn Lang. Hình ảnh mặt trời tỏa sáng và hơi nóng là vật thiêng liêng
được dân gian tôn thờ. Hình ảnh này còn lưu trên mặt trống đồng, coi như chứng
tích văn hóa cổ đại của dân tộc Việt Nam.
* Sau Thần Mặt Trời, hai con vật được coi như vật tổ được
tôn thờ là chim Mê Linh và Giao Long. Chim Mê Linh còn goi là chim Lạc, một giống
chim quý như chim phượng hoàng (phượng là con trống, hoàng là con mái). Giao
Long là loài thủy quái sống dưới nước như con thuồng luồng. Cũng có truyền thuyết
nói là Ngạc Thần, một giống cá sấu có khả năng trấn áp các loài sống dưới nước.
* Ngoài ra một số con vật được coi như thiêng liêng vì đã
giúp cho nông nghiệp, có liên quan đến thời tiết nắng mưa:
Con cóc tượng trưng
cho quyền năng làm ra mưa. Người dân có niềm tin này vì thấy khi cóc nghiến
răng kêu thì trời chuyển mưa.
Con nai tượng trưng
cho quyền năng là khô ráo. Khi thấy đàn nai tràn xuống đồng bằng là thời tiết
khô hạn, khi có mưa lụt thì người dân cầu xin cho nai xuất hiện.
Con gà trống gáy
sáng coi như quyền năng làm cho mặt trời mọc lên đem sự sống đến muôn loài.
* Ngoài Thiên Thần Mặt Trời và các Vật Thần vừa kể, dân nước
Văn Lang còn tôn thờ Nhân Thần, đó là nguồn gốc của tập tục thờ cúng tổ tiên. Tổ
tiên là những người đã khuất được coi như quyền năng phù hộ cho con cháu được
đông đúc, ấm no hạnh phúc, cung cấp một nguồn nhân lực dồi dào cần thiết cho sự
phát triển trồng trọt và chăn nuôi.
Tóm lại về tín ngưỡng, dân nước Văn Lang đã tôn thờ ba loại
quyền năng thiêng liêng: Thiên Thần, Vật Thần và Nhân Thần. Chính phần Nhân Thần
đã trở thành tính nhân bản trong văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam từ thời
Hồng Bàng, mặc dù dân nước Văn Lang không có một đạo giáo, một tôn giáo nào.
Riêng về nhân thần cho đến ngày nay con dân đất nước vẫn còn
theo tinh thần tín ngưỡng truyền thống dân tộc có từ thời Hồng Bàng. Nhân thần
là nhân vật có công ơn lớn lao với mọi người trong cuộc sinh tồn, sau khi từ trần
được người dân tưởng nhớ đến lập đền thờ, cúng bái hàng năm để tỏ lòng ngưỡng mộ
tri ân. Dân tộc Việt Nam có ba bậc nhân thần thuộc ba phạm vi khác nhau trong
cuộc sống cộng đồng xã hội:
Trong phạm vi toàn thể dân tộc, có Quốc Tổ Hùng Vương, các vị anh hùng như Hai Bà Trưng, đức Trần Hưng Đạo, vua Lê Lợi, vua Quang Trung..., các công thần danh tướng như Phạm Ngũ Lão, Lê Lai,... (ngoại trừ Lê Văn Duyệt và Phan Thanh Giản), các vị anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (vị tướng tài của nhân dân Việt Nam),..., và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh máu xương vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Trong phạm vi xã thôn, có Thần hoàng làng thờ ở đình làng là
người có công đầu với dân làng như khai hoang lập ấp, dạy nghề sinh sống cho mọi
cư dân, cứu đói năm có thiên tai mất mùa... Dân làng tôn xưng vị ân nhân và được
triều đình nhà vua ban sắc phong về làng để thờ, gọi là thủ tục phong thần.
Trong phạm vi gia tộc, có tổ tiên được con cháu thờ ở nhà thờ
do ông tộc trưởng chăm nom lo việc cúng lễ ngày tết và ngày giỗ. Có họ to đông
con cháu ở xa nhau còn có nhà thờ từng chi hay từng gia đình để thuận tiện việc
thờ cúng gia tiên.
Tục lệ thờ cúng để tỏ lòng biết ơn các vị Nhân thần đã là điểm
son tín ngưỡng trong văn hóa nhân bản của dân tộc Việt
Nam. http://www.asia-religion.com/TNAC/TinNguongVanLang.htm
Ở Việt Nam, hầu như gia đình nào cũng có bàn thờ Tổ, được đặt
ở một nơi trang trọng nhất trong nhà; rồi đến tổ tiên một chi họ, một họ (nhà
thờ chi, nhà thờ họ) đến nhà thờ tổ tiên của một làng được thờ ở các đình, đền,
miếu... và cao hơn cả là thờ tổ tiên chung của cộng đồng dân tộc.
Là một đất nước phải chịu đựng nhiều hy sinh mất mát do
thiên tai địch hoạ để có được độc lập, tự do và có được cơm no áo ấm, những người
dân đất Việt đã phải đánh đổi điều đó bằng cả sự nỗ lực, máu và nước mắt của những
người thân yêu nhất trong gia đình và dòng họ. Vì thế sự biết ơn và lòng thuỷ
chung đã trở thành đạo lý và truyền thống của dân tộc Việt Nam "Uống nước
nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây". Từ thực tế đó cho
chúng ta hiểu vì sao trong mỗi gia đình Việt Nam đều có bàn thờ gia tiên, trong
các làng xã có bàn thờ thành hoàng làng và cả nước có chung việc thờ cúng ông Tổ
- Vua Hùng.
Ngày giỗ của ông bà, cha mẹ hay tổ chi, tổ họ con cháu đều tụ
họp đông đủ, chuẩn bị lễ vật để dâng lên bàn thờ kính lễ. Dân tộc Việt Nam đã
chọn ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày giỗ Tổ. Từ xưa đến nay vào
những ngày đầu tháng 3 âm lịch, mọi người dân đất Việt đều hướng về nơi cội nguồn
dân tộc, có rất nhiều người ở các địa phương về với vùng đất linh thiêng, nơi cội
nguồn dân tộc để tham gia lễ hội Đền Hùng.
"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm."
Từ ý nghĩa và vị trí quan trọng của ngày giỗ Tổ trong tâm
linh người dân đất Việt nên trong cuộc đời của mỗi người, dù làm gì và sống ở
nơi đâu, ai cũng muốn được một lần trong cuộc đời hành hương về vùng đất cội
nguồn, thắp một nén tâm nhang để tưởng nhớ công ơn của các vua Hùng. Có lẽ trên
thế giới ít có nơi nào lại có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên chung như dân tộc Việt
Nam.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thuộc văn hóa tín ngưỡng thờ
tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Các vua Hùng được nhân dân lập đền thờ chính tại
núi Nghĩa Lĩnh - xã Hy Cương - thành phố Việt Trì - tỉnh Phú Thọ. Ngoài ra còn
vô số các đền miếu thờ cúng Hùng Vương và tướng lĩnh dưới thời các vua Hùng ở
Phú Thọ và nhiều địa phương trong cả nước. Người Việt Nam có quan niệm: Sự tử
là để sự sinh, sự vong là để sự tồn, vì thế Hùng Vương trong tâm khảm của người
Việt là người khai sáng ra đất nước và dân tộc. Cho nên tín ngưỡng Hùng
Vương trong tiến trình lịch sử luôn là yếu
tố nội lực của văn hóa dân tộc góp phần hun đúc lòng tự hào, tạo nên tinh thần
đoàn kết, yêu nước thương nòi của người Việt Nam: “Cây có cội, nước có nguồn”,
“Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Người Việt thờ cúng các vua Hùng
chính là để tôn vinh dân tộc mình.
Sự thờ cúng tổ tiên
xuất phát từ một tin tưởng người ta có
phần thể xác và tinh thần . Phần tinh thần còn lại sau khi phần xác chết đi: thác là thể phách còn là tinh anh. Sự tin tưởng vào linh hồn bất diệt và sống
trong thế giới u minh, hay là cõi âm là một tin tưởng có nguồn gốc sâu xa và rất
phổ quát trong hầu hết các dân tộc tiền sử.
Nguời tiền sử đối xử
với người chết như khi họ còn sống và tin rằng linh hồn họ luôn luôn quanh quẩn
cạnh người nhà để giúp đỡ và che chở cho những người ruột thịt. Những linh hồn
ấy sống trong cõi âm nhưng vẫn quanh quẩn ở dương thế dù với mắt người không
nhìn thấy được gọi là ma. Tục thờ linh hồn người chết này có rất sớm và tạo
nên bản sắc tín ngưỡng truyền thống của Việt Nam. Qua nhiều thời gian, tục này
có thay đổi nhưng trên cơ sở tin tưởng vào sự không hủ nát của linh hồn tổ tiên
thì vẫn không suy xuyển.
Có thể nói rằng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng bản địa của dân tộc Việt Nam xuất hiện trước sự có mặt của các tôn giáo như Phật, Khổng, Lão (ngoại trừ Kito giáo) trên 2000 năm và bám rễ cùng với cư dân ở khắp nơi, không những từ miền Nam sông Dương Tử xuống đến các hải đảo xa xôi ở Ðông Nam Á. Khi bị văn hóa Tây, tiêu biểu là Công giáo và Tin lành, trong thời Pháp thuộc lần thứ hai đến VN, mọi cố gắng của phương Tây bao trùm lên tín ngưởng thờ cúng tổ tiên nhưng vẩn không đánh bại được tín ngưỡng này và không làm không biến dạng những nét chính của tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên [...]. Phật giáo cũng dung hoá được thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam để tìm được một vị trí thích hợp trong dòng sinh mệnh của dân tộc Việt Nam cho đến ngày hôm nay. Nếu đứng trên lăng kính dân tộc, chúng ta nhận thấy được đạo thờ cúng tổ tiên đã dung hoà được tất cả tôn giáo có mặt ở Việt Nam (ngoại trừ Kito giáo) để cùng nhau phát triển và trường tồn.
Tục thờ cúng tổ tiên tuy có nguồn gốc từ tín ngưỡng cổ sơ nhất của loài người, nhưng qua thời gian và địa phương lại có những thay đổi về nghi thức và phạm vi, nó biểu lộ rõ ràng sự tiến bộ trong tổ chức xã hội nông nghiệp.
Đối với người Việt Nam chúng ta, việc tôn kính ông bà tổ tiên rất được đề cao. Đề cao đến độ mà việc tôn kính đã trở thành đạo: đạo ông bà, đạo hiếu, đạo thờ cúng tổ tiên. Để đánh giá một người nào, người Việt chúng ta thường dựa vào cách đối xử của người đó với ông bà, cha mẹ. Thậm chí người ta còn coi việc báo hiếu trọng hơn việc đi tu:
"Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu."
hay:
Vua tôi sẵn có nghĩa dày,
Cha con thân lắm, đấng người nên trông.
Khi ấp lạnh, lúc quạt nồng,
Bữa dâng ngon-ngọt, bữa dùng sớm trưa.
Ở cho thoả chí người xưa,
Đền ơn trả nghĩa thuở xưa bế bồng.
Người Việt Nam tôn kính tổ tiên vì 2 lý do chính:
1. Đạo lý uống nước nhớ nguồn: Chim có tổ, suối có nguồn, cây
có cội, con người cũng có tổ tiên. Chúng ta biết ơn đấng sinh thành và dưỡng dục
chúng ta.
2. Vì huyết thống, xin tổ tiên phù trợ chúng ta: Đối với người Việt Nam, chết không phải là hết,
nhưng người chết vẫn còn quanh quẩn bên người sống để che chở cho con cháu. Bởi
đó, người Việt Nam thường khấn xin tổ tiên ông bà phù hộ cho con cháu. Và khi
chết người Việt Nam lại về với ông bà, tổ tiên.
Chúng ta nhớ ơn các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ vì các ngài
đã sinh ra, dưỡng nuôi và giáo dục chúng ta nên người. Đối với người Việt Nam
chúng ta, đây là công ơn lớn lao nhất mà chúng ta không thể nào quên được, vì:
Ai mà phụ nghĩa quên công,
Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm.
(Ca dao)
Người Việt Nam thường ngoài tôn giáo riêng của mình, còn thờ
phụng tổ tiên, ông bà. Cây có gốc, nước có nguồn. Tổ tiên sinh ra ông bà, ông bà sinh ra cha mẹ,
cha mẹ sinh ra mình. Người con hiếu thảo
phải biết ơn sinh thành. Đã có hiếu với
cha mẹ thì phải có hiếu với ông bà – tức là nhớ đến nguồn gốc của mình. Lúc ông bà cha mẹ còn sống thì chăm lo phụng
dưỡng. Khi ông bà cha mẹ chết rồi thì phải lo việc thờ phụng để tỏ lòng thành
kính biết ơn.
Thật ra, ở Việt Nam, gọi là “đạo” thờ Ông Bà Tổ tiên, đạo thờ
ông bà là một đạo trong Việt Đạo. Qua việc thờ phụng tổ tiên, người Việt Nam
tin là khi chết thể xác tiêu tán nhưng linh hồn thì bất diệt; và người sống và
người chết luôn luôn có một sự liên lạc mật thiết. Sự thờ phụng là một cách để
giữ gìn mối liên lạc này. Ông Bà thường được chôn cất gần nhà. Vong hồn Ông Bà
được coi như vẫn còn đang sống quanh quẩn nơi bàn thờ.
Người Việt cổ quan niệm, cho là “Dương sao thì Âm vậy.” Người
sống cần gì, thì người chết sống ở “cõi Âm” cũng cần như vậy! Nói cách khác, người chết cũng cần ăn uống,
tiêu pha, nhà cửa… như người sống (?). Vì tin như vậy cho nên việc thờ phụng
cúng lễ là chuyện cần thiết. Tục người Việt cũng tin rằng vong hồn người chết
thường ngự trên bàn thờ để gần gũi với con cháu. Nguời ta sợ tội bất hiếu với
vong hồn cha mẹ phải tủi hổ, cho nên người sống phải suy tính kỹ lưỡng, xem như
lúc cha mẹ còn sống thì có chấp nhận dự tinh, công việc làm của mình hay không? Do đó con cái phải ăn ở, thờ phụng cho đứng đắn kẻo mang chữ bất hiếu. Như vậy
vong hồn cha mẹ có ảnh hưởng tốt đến hành động và tư cách của con cái.
Phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt có xuất nguồn từ thời các Vua Hùng. Đó là một phong tục đẹp, giàu bản sắc, có tính chất giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Tự bản thân phong tục thờ cúng tổ tiên đã mang trong nó những giá trị văn hóa nhân bản.
Chính vì lẽ đó mà Việt đạo rất dễ hoà đồng và có thể tiếp nhận nhiều tôn giáo (ngoại trừ Kito giáo), tín ngưỡng khác nhau, nhưng phong tục truyền thống tốt đẹp này luôn được bảo tồn và chấp nhận như một lẽ đương nhiên của cộng đồng mà không có sự phân biệt nào của các tôn giáo (ngoại trừ Kito giáo). Người Việt chúng ta coi việc thờ cúng tổ tiên cũng chính là việc cầu xin ông bà phù hộ cho gia đình, dòng họ; cho sự trường tồn của quốc gia, cho “quốc thái dân an”. Thờ cúng tổ tiên còn là hình thức tín ngưỡng có ý nghĩa lớn về mặt tổ chức cộng đồng trong xã hội truyền thống. Thờ cúng quốc tổ trong cộng đồng cư dân Việt Nam là truyền thống dân tộc Việt Nam, nhằm củng cố bởi đức tin chung một cội nguồn. Tất cả là “đồng bào”, đều là “con Lạc cháu Hồng”. Đây chính là nguồn sức mạnh tinh thần giúp cho dân tộc ta vững vàng trước mọi sự đe dọa của thiên tai và giặc ngoại xâm.
Thờ phụng tổ tiên là một trách nhiệm có tính cách luân lý đối
với người Việt Nam, nó thể hiện cho nhu cầu được phát lộ tình cảm và niềm tin
huyết thống trong môi trường gia đình.
Giữ bàn thờ sạch bày tỏ lòng hiếu kính
Bàn thờ là nơi ngự vị của các bậc tiền nhân trong gia đình,
vì thế nó thường được đặt ở vị trí trung tâm và cao nhất trong nhà. Điều này
không chỉ để tránh sự va chạm mà còn tránh gió, bụi bặm và côn trùng. Việc lau
dọn sạch sẽ bàn thờ là công việc trước tiên và được thực hiện một cách cẩn thận,
tỉ mỉ.
Công việc chăm sóc bàn thờ là cách để con cháu bày tỏ lòng yêu kính và tưởng nhớ đế ông bà tổ tiên. Chổi quét hoặc khăn lau bàn thờ thường được dùng riêng, và rất hạn chế sự chung đụng. Nước lau bàn thờ thường được dùng từ nguồn nước sạch sẽ, có người còn dùng nước mưa thậm chí nước nấu từ lá trầu, lá bồ đề để lau.
Trong tâm thức người Việt, người đã khuất và người còn sống
luôn có một mối quan hệ mật thiết với nhau. Không gian thờ tự là không gian
thiêng liêng trong gia đình, là nơi lưu giữ nhiều ẩn ức tình cảm giữa các thế hệ,
chính vì thế việc giữ gìn bàn thờ luôn sạch sẽ, mát mẻ không chỉ thể hiện sự
chăm sóc và tôn kính của con cháu đối với ông bà tổ tiên mà còn là sự chăm sóc
đến cái tôi tâm linh ở mỗi con người.
Không phải đợi lúc năm hết tết đến, nhân dịp giỗ chạp hay vào những ngày sóc vọng, người ta mới dọn dẹp và chăm chút bàn thờ. Tuy nhiên, phải vào những ngày cận Tết, chúng ta mới thấy hết được không khí bận bịu, tất bật của việc dọn dẹp và chuẩn bị sắm sửa đồ thờ.
CHÙI LƯ
Từ việc đánh sáng lại bộ tư đồng, lau chùi khung ảnh, thay cát bát hương (nhang)… đều thể hiện cho nhu cầu giao hòa, gắn kết mật thiết giữa thế giới hữu tình và thế giới tâm linh thiêng liêng.
Công việc quét tước nhà cửa thường là việc của phụ nữ trong
nhà vì nó đòi tính cẩn thận, tỉ mỉ. Song việc bày bàn thờ ngày Tết lại được ưu
ái dành cho quý ông, đơn giản vì việc ấy nặng nhọc hơn. Hơn thế, người đàn ông
là chủ gia đình, phải đại diện chăm lo nơi cư ngụ của tổ tiên để tỏ lòng hiếu
kính.
Những bộ lư đồng cần sự tỉ mỉ, khéo léo của người thợ. |
Phụ nữ trong nhà thì lo việc bếp núc, nấu nướng và dọn dẹp
gian bếp. Đó là cách nhìn từ văn hóa truyền thống xưa kia. Việc bày biện hay thắp
hương (nhang) trên bàn thờ không phân biệt nam nữ, tuổi tác như ở thôn quê. Tuy
nhiên, để giữ nếp xưa, mọi nhà vẫn mời người lớn tuổi nhất họ hay nhất nhà ra
khấn và thắp hương cho ông bà tổ tiên trong những ngày quan trọng như: tất
niên, đêm giao thừa, mừng năm mới, cúng tiễn…
Bày biện, lễ cúng
Trong gia đình Việt Nam ngoài việc chọn lựa vị trí trung tâm và cao ráo để đặt bàn thờ, người Việt còn chú ý xem hướng của ngôi nhà và tuổi của gia chủ để thấy nên đặt bàn thờ quay mặt về hướng nào là tốt nhất.
Việc dọn dẹp hay bày biện bàn thờ vào ngày thường có thể qua
loa, sơ sài vì lý do bận bịu làm ăn, thu vén tiền bạc… Song vào những ngày Tết,
công việc này được yêu cầu có sự chu đáo nhất định.
Trên bàn thờ tổ tiên, ở chính giữa đặt bát hương (tượng
trưng cho tinh tú) và trên bát hương có cây trụ để cắm hương vòng (tượng trưng
cho trục vũ trụ), hai bát hương khác đặt ở bên trái và bên phải tạo nên tư thế
tam tài; ở hai góc ngoài bao giờ cũng có hai cây đèn dầu (hoặc nến) tượng trưng
cho mặt trời bên trái và mặt trăng ở bên phải.
Khi cần giao tiếp với tổ tiên (có lúc thỉnh cầu, có lúc sám hối… người ta thường đốt nến (đèn dầu) và thắp hương. Mọi nguyện cầu theo các vòng khói hương chuyển đến ông bà tổ tiên.
Lễ vật dâng cúng thường bao gồm vài bộ quần áo, giấy tiền
vàng mã cho các cụ, một vài cái chung (ly nhỏ, thấp) và một bình trà; đĩa hoa
quả lớn đặt ở trung tâm bàn thờ, một bình hoa lớn và một bình rượu ngon. Xung
quanh, ta có bày thêm bánh mứt cho cân đối và đẹp mắt.
Hoa để thờ cũng có nhiều loại, ví dụ hoa tươi hay hoa làm bằng
giấy bạc (một bạc, một vàng biểu tượng cho một âm một dương, âm dương giao hòa)
để có thể dùng được lâu. Đối với hoa tươi, người Việt Nam thường sử dụng hoa
cúc, hoa huệ, hoa lay ơn, hoa mai, hoa đào trong cúng gia tiên ngày Tết..
Khoảng sáng 30 Tết, việc bày biện bàn thờ Tết phải được hoàn tất. Tuỳ theo điều kiện kinh tế hay văn hóa từng miền mà trên bàn thờ có thêm cặp dưa hấu xanh, gói thuốc lá, cặp bánh chưng hay bánh tét…
Việc thắp sáng cho bàn thờ ngày Tết cũng được bắt đầu từ ngày 30. Có nhà sử dụng loại hương vòng, hay hương que loại lớn, cháy liên tục trong nhiều ngày với nhiều ý nghĩa biểu trưng như các vì tinh tú đang tỏa sáng, sự chăm lo ân cần của con cháu…
Hương khói còn tạo nên một không khí ấm cúng nơi gian thờ, gắn kết tình cảm và ước nguyện hạnh phúc của mọi người trong một gia đình. Hương dùng cho những ngày Tết cũng thường là các loại hương có mùi thơm đặc biệt ví dụ như hương bài, hương trầm, hương nhài… là những loại hương có mùi thơm hết sức đặc trưng cho nhân dân ba miền ở Bắc - Trung - Nam.
MÂM NGŨ QUẢ
Ngày tết, nhà nào cũng nô nức chuẩn bị dọn dẹp, sắp xếp, hy
vọng một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý. Để bày cúng tổ tiên, mọi
nhà đều chưng mâm ngũ quả, với mong muốn năm mới cuộc sống sung túc, đủ đầy, thịnh
vượng hơn năm trước. Mỗi vùng miền khác nhau, mâm ngũ quả cũng theo đó mà thay
đổi. Tuy nhiên tất cả đều thể hiện ước mong ước an khang thịnh vượng đặc trưng
của người Việt.
Ý NGHĨA CỦA MỘT VÀI LOẠI NGŨ QUẢ:
- Lê (hay mật phụ), ngọt thanh ngụ ý việc gì cũng trơn tru,
suôn sẻ
- Lựu, nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống
- Đào thể hiện sự thăng tiến
- Mai, do điển phiếu mai, con gái phải có chồng, hạnh phúc,
không cô đơn
- Phật thủ giống như bàn tay của Phật, chở che cho con người
- Táo (loại trái to màu đỏ tươi) có nghĩa là phú quý
- Hồng, quýt rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự
thành đạt
- Thanh long - ý rồng mây gặp hội
- Bưởi, dưa hấu: căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào,
may mắn
- Nải chuối như bàn tay ngửa, hứng lấy nắng sương đọng thành
quả ngọt và che chở, bảo bọc
- Quả trứng gà có hình trái đào tiên - lộc trời
- Dừa có âm tương tự như là “vừa," có nghĩa là không
thiếu
- Sung gắn với biểu tượng sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc
- Đu đủ mang đến sự đầy đủ thịnh vượng
- Xoài có âm na ná như là “xài”, để cầu mong cho tiêu xài
không thiếu thốn.
Trái phật thủ. |
Ở vùng Thủ Dầu Một, ngày Tết hầu như nhà nào cũng có mâm lễ: Long - Lân - Quy - Phụng. Kết từ hoa quả - tứ linh hoàn toàn mang tính hình tượng như hoa quả kết thành "vật thực", thể hiện lòng thành của con cháu tưởng nhớ gia tiên, cảm tạ ơn trời, ơn đất.
NGŨ QUẢ TRONG LĂNG KÍNH PHẬT GIÁO
Khi Mục-Kiền-Liên tìm cách cứu mẹ ông khỏi kiếp ngạ quỷ có
nhắc đến việc chuẩn bị mâm ngũ quả dưới hình thức "trái cây năm màu"
để cúng dường chư Tăng, mà theo quan niệm nhà Phật trái cây 5 màu tượng trưng
cho ngũ căn: tín, tấn, niệm, định và huệ.
Miền Bắc
Mâm ngũ quả trưng bày thể hiện mong muốn theo ý nghỉa của từng
loại quả và phải theo màu sắc để phân định
ngũ hành. Mâm ngũ quả thể hiện mong muốn con cháu thuận hòa, sung túc và
thành đạt, nên nhất thiết phải có 5 loại quả chính là chuối, quất (quýt), lê,
phật thủ, sung.
Chịu ảnh hưởng của văn hóa truyền thống, Ngũ quả - Ngũ hành
trong văn hóa phương đông, là vạn vật dung hòa trong trời đất. Tuy không câu nệ
nhiều ít, nhưng phải đủ lễ, đủ loại; trái cây phải chọn theo ý nghĩa, tuân theo
Ngũ Hành mà bày cúng:
Quả phật thủ - bàn tay phật nhằm bảo vệ gia đình, hoặc bưởi:
mong muốn an khang thịnh vượng; màu vàng ứng với Kim
Quả chuối: tượng trưng con cháu sum vầy, quây quần đầm ấm,
màu xanh ứng với Mộc
Quả sung hoặc quả mây: tượng trưng cho sự sung túc, no ấm,
màu xám ứng với Thổ
Quả quất, quả hồng: biểu trưng cho sự may mắn, màu đỏ ứng với
Hỏa
Quả lê hoặc dưa lê: tượng trưng cho sự thành đạt, thăng tiến,
màu trắng ứng với Thủy
Ngoài ra, có thể chưng thêm các loại quả khác như ớt, hồng
xiêm, đu đủ… để mâm ngũ quả thêm sinh động và đẹp mắt.
Miền Nam
Mâm ngũ quả, theo tên gọi thể hiện mong muốn “Cầu - Sung - Dừa
- Đủ - Xài” hoặc “Cầu - Dừa - Đủ - Xài - Sung”, ước mong cái gì lúc nào cũng đủ
đầy, sung túc. Do vậy, mâm ngũ quả bắt buộc phải có: mãng cầu xiêm hoặc mạng cầu,
dừa, đu đủ, sung, xoài. Ngoài ra, còn có thêm trái thơm (dứa hoặc khóm) với
mong muốn con cháu đầy nhà, và một cặp dưa hấu đỏ cầu may mắn..
Với người miền Nam, mâm ngũ quả thể hiện rõ nét tính bình dị dân giã và sự thông minh hóm hỉnh. Họ mong muốn nhiều thứ, song chỉ cầu vừa đủ; mà mỗi người khác nhau, sao biết thế nào là đủ, dù nhiều bao nhiêu, cũng chỉ “đủ” mà thôi. Đó là sự khiêm tốn nhã nhặn, song rất thông minh, sáng tạo trong cách thể hiện. Đặc biệt, người miền Nam kỵ cúng một số trái cây, vì theo phát âm tên gọi mang ý nghĩa không tốt:
Chuối: chúi nhủi, làm ăn không cất đầu lên được
Lê, táo (bom): lê lết và đổ bể, làm ăn dễ thất bại
Cam, quýt: quýt làm cam chịu
Miền Trung
Chịu ảnh hưởng văn hóa của miền Bắc và Miền Nam, trái cây
không phong phú, đa dạng nên mâm ngũ quả của người miền Trung rất đơn giản.
Ngũ quả không cần đủ “Cầu - Sung - Dừa - Đủ - Xài” như người
miển Nam, cũng không câu nệ Ngũ Quả - Ngũ Hành như người miền Bắc, cũng không
kiêng kị cam, quýt như người miền Nam. Các loại trái cây mùa nào thức nấy.
thanh long, chuối, dưa hấu, mãng cầu, thơm, sung, cam, quýt … đều có thể chưng
trên mâm ngũ quả.
Mâm ngũ quả chỉ cần tươi ngon, đẹp mắt nhằm thể hiện lòng
thành của con cháu với tổ tiên, không cần câu nệ quá nhiều.
Mâm ngũ quả ngày Tết, nét văn hóa đặc trưng của người Việt,
hướng đến tổ tiên, nguồn cội. Mâm ngũ quả dâng cúng tổ tiên, với mong muốn an
khang sung túc, là nét đẹp văn hóa cần gìn giữ cho thế hệ mai sau.
CHUẨN BỊ CÚNG GIAO THỪA
Mổi đêm mổi thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con…
Dân tộc nào cũng coi phút giao thừa là thiêng liêng. Các cụ
ta quan niệm: Mỗi năm Thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom công việc
dưới hạ giới, đứng đầu là một ngài có vị trí như quan toàn quyền. Năm nào quan
toàn quyền giỏi giang anh minh, liêm khiết thì hạ giới được nhờ như: Được mùa,
ít thiên tai, không có chiến tranh, bệnh tật... Trái lại, gặp phải ông lười biếng
kém cỏi, tham lam... thì hạ giới chịu mọi thứ khổ. Và các cụ hình dung phút
giao thừa là lúc bàn giao, các quan quân quản hạ giới hết hạn kéo về trời và
quan quân mới được cử thì ào ạt kéo xuống hạ giới tiếp quản thiên hạ.
Các cụ cũng hình dung phút ấy ngang trời quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã (nhưng mắt trần ta không nhìn thấy được), thậm chí có quan, quân còn chưa kịp ăn uống gì.
Nhưng phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà. Ví cứ tưởng tượng thêm thắt các hình ảnh nhà trời theo mình như vậy nên nhiều nhà có của đua nhau cúng giao thừa rất to và nghĩ cách làm mâm cúng giao thừa nổi lên bởi những của ngon vật lạ, trang trí cầu kỳ để các quan chú ý, quan tâm đến chủ hảo tâm mà phù hộ cho họ với những ưu ái đặc biệt.
Biết thấu tâm lý của người giàu, các cụ ta đã có nhiều câu chuyện răn đời để người ta hiểu rằng: Các quan mặc dầu phút bàn giao bận rộn khẩn trương nhưng vì là... người nhà trời nên có tài thấu hiểu ngay "Ruột gan" của gia chủ. Nếu có ý cầu lợi, mua chuộc, đút lót, các vị chỉ nhìn dấu hiệu ở khói hương, lửa đèn là biết ngay, và lập tức các vị dông thẳng, không thèm ngó ngàng gì đến vật cúng giao thừa của các nhà cầu lợi ấy. Trái lại, những nhà chân chất, thật thà, sống bằng lao động, ăn ở tử tế thì có khi chỉ cần chén rượu, nén hương (như thổ công đánh tín hiệu qua hương đèn), các vị có chức trách biết ngay mà vui vẻ thưởng thức, dốc lòng phù hộ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét