Trước làn sóng phỉ báng và chống phá Phật giáo đang dấy lên của các cá nhân, tổ chức trên trang mạng xã hội FB hiện nay thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam của chúng ta đã chọn cho mình cách im lặng, mặc nhiên không tranh cãi hơn thua hay biện minh đúng sai mà thay vào đó là những thái độ, hành động giải quyết vấn đề hết sức mềm dẻo và phù hợp với chánh pháp.
Kính thưa Chư tôn đức, quý phật tử cùng các vị thiện hữu tri
thức. Có một chân lý là khi đám cháy xuất hiện, lửa lan dần ra thì ta không thể
nào cho thêm dầu vào được mà phải đưa nước đến để dập tắt lửa. Cũng như vậy,
khi các thế lực xấu ác đang lan rộng ra với sự sân hận, si mê tột cùng thì
chúng ta càng không thể nóng nảy, hoang mang mà phải tuyệt đối bình tĩnh, kiên
định và dịu mát như nước cam lồ.
Vừa qua, có rất nhiều bài viết đã lên tiếng bày tỏ quan điểm
bức xúc của phật tử cùng các vị thiện hữu tri thức gần xa về hiện tượng phỉ
báng tăng, ni, chống phá Phật giáo trên FB mà trong số những vị đó có cả đứa
tài hèn, sức mọn chỉ mới 19 tuổi là con. Cũng chính vì điều này đã khiến cho một
số cá nhân, tổ chức trở nên hoang tưởng, cảm thấy vui mừng và hài lòng với
"thành công ảo". Tại sao lại gọi là "thành công ảo"? Vì mục
đích của họ là gây chia rẽ sự đoàn kết, gây mất lòng tin của phật tử và mọi người
vào Giáo hội cùng với chư tăng, ni nên khi thấy chúng ta có các bài viết phản ứng
như vậy họ cứ tưởng mình đã "thành công", đã làm cho chúng ta bị
"chấn động", hoang mang và thậm chí là lo sợ.
Sự vui mừng hoang tưởng về "thành công ảo" của những "Hộ Pháp" trên Facebook |
Trong Kinh kể lại, có lần đức Phật trên đường du hóa, một thầy Bà la môn lẽo đẽo theo sau chửi nhưng Phật cứ thong thả đi. Ông tức giận quá chận lại hỏi:
- Ngài Cồ Ðàm, Ngài có điếc không?
Phật đáp: - Không.
- Không điếc sao không nghe tôi mắng chửi mà không có phản ứng?
- Ta không điếc việc mắng chửi của ông có liên hệ gì với ta đâu?
Phật liền nói ví dụ như nhà ông có giỗ mời bà con quyến thuộc tới dự, khi họ sắp về ông gói quà bánh tặng. Những người ấy không nhận thì quà đó về ai?
Ông Bà-la-môn đáp: - Nếu họ không nhận thì quà đó về tôi chứ ai.
Phật bảo:
- Cũng vậy, ông chửi ta mà ta chẳng nhận thì những lời mắng chửi đó xin gởi lại cho ông.
Người ta cứ nghĩ rằng nhịn là thua, nhưng trường hợp vừa kể đức Phật có thua không? Chửi Ngài mà Ngài không chống cự thì hậu quả tự trở về người chửi. Chúng ta thử tập khi bị mắng chửi mà chúng ta cứ lặng lẽ làm thinh, không nói gì hết thì rốt cuộc người nào tức hơn. Người bị chửi tức hay người chửi tức?
Cho nên tưởng rằng tranh hơn thua là hay, không ngờ càng tranh càng lún sâu vào phiền não, chẳng khác nào như lửa cháy mà cứ chế thêm dầu vào. Còn một bên nóng giận, một bên im lặng, không có lời thách đố nhau thì làm gì có chuyện đấu tranh để dẫn đến những tai hại lớn lao. Rõ ràng nhẫn nhịn là điều hết sức quan trọng, không phải việc thường. Người biết nhẫn nhịn thì là người làm được việc lớn, còn người không nhẫn nhịn được thì không làm được việc gì hết. Cho nên chúng ta muốn làm được điều hay điều tốt thì phải có đức Nhẫn nhịn mạnh mẽ, như vậy việc làm mới thành công" (Trích Ðức Từ Bi và Nhẫn Nhục - Hoà thượng Thích Thanh Từ, Tuần báo Giác Ngộ số 8, 9 & 10).
Lại nữa, "Kẻ ác hại người hiền, như ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời, trở lại rơi trên mình, như ngược gió tung bụi, bụi chẳng tới người, trở lại làm nhơ mình..." (Kinh Tứ Thập Nhị Chương). Đến đây, chúng ta cũng đã phần nào hiểu được sự cao minh trong suy nghĩ và trí tuệ trong hành động của Chư tôn đức tăng, ni lãnh đạo Giáo hội khi phải đối mặt với khó khăn, thử thách.
Các "Hộ Pháp" đang bàn về kế hoạch hoạt động của mình trong "tình hình mới" |
Bên cạnh việc "nhẫn nhục" trước những lời phỉ báng vô thức của kẻ si mê, lầm lạc thiếu hẳn đạo đức, các Ngài còn giàu lòng từ mẫn, hỷ xả và bao dung. Không trách cứ, không giận hờn cũng không hô to, làm lớn để hơn thua hay chứng minh sự trong sạch cho mình vì chỉ cần là người có trí tuệ, có hiểu biết sẽ tự nhiên thấy được đúng sai trong việc này. Nên biết rằng "ai còn thấy hơn, thấy thua là còn khổ. Hơn người thì oán hờn, còn thua người thì đêm đến trằn trọc ngủ không được. Chỉ người bỏ được hơn thua thì an ổn, hạnh phúc" và "Trong kinh Pháp Hoa, Phật có dạy: muốn vào nhà Như Lai phải có lòng từ bi, muốn mặc áo Như Lai tức phải nhẫn nhục" (Trích Ðức Từ Bi và Nhẫn Nhục - Hoà thượng Thích Thanh Từ, Tuần báo Giác Ngộ số 8, 9 & 10).
Một lần nữa, chúng ta lại phải cúi đầu đảnh lễ tán dương đạo hạnh và trí tuệ của Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Các Ngài đã rất dũng mãnh và khéo léo khi lèo lái con thuyền Đạo pháp nước nhà vượt qua hết gian khó này đến thử thách kia. Hơn lúc nào hết, giờ đây chúng ta cần phải có niềm tin vững chắc, chân thật vào Tam Bảo, vào chư tăng, ni và đừng bao giờ để cho những lời lẽ tà kiến, những hành động phi pháp làm mê hoặc rồi dần dần ra khỏi con đường dẫn đến giác ngộ, vô ngã, vị tha lúc nào không hay.
Cuối lời, con xin cầu chúc cho Chư tôn đức cùng quý đạo hữu thân tâm thường an lạc, đạo quả sớm viên thành và cũng không quên cầu cho những ai lầm đường, lạc lối đang chìm đắm trong si mê sẽ sớm quay về nương tựa chánh pháp.
Cư sĩ Diệu Âm Thiện Định
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét